[Câu Hỏi Và Kinh Nghiệm Phỏng Vấn SEO]

Trong 2 năm qua mình đã phỏng vấn hơn 30 bạn SEO đủ level và cũng đã đi phỏng vấn dạo các công ty tuyển SEO từ agency đến inhouse lớn ở Việt Nam (Novaland, Dentsu, Phibious…) thì đã rút ra được kha khá kinh nghiệm và có các nhận định sau:
1 – Các doanh nghiệp khi phỏng vấn SEO hỏi những câu khá dễ và lý thuyết. Thường là hỏi những câu có sẵn trên mạng, khái niệm hoặc hỏi chung chung.
2 – Nhiều bạn SEO làm CV rất đẹp, từng làm cho các tập đoàn, công ty lớn (TGDD, Vinmec, Sendo, Tiki, GTV…) nhưng thật ra chỉ là phông bạt, thực chiến không có, nặng lý thuyết.
Nên bài viết này mình muốn chia sẻ một ít kinh nghiệm của mình để giúp các sếp hoặc bộ phận HR có thêm những tài liệu tham khảo khách quan khi check CV và phỏng vấn ứng viên SEO từ level Junior đến Manager/Head.

I. BƯỚC SREEN CV (SÀNG LỌC)

1. Đối với các CV từng làm việc thời gian dài (> 1 năm) tại các công ty inhouse lớn:
  • Các ứng viên này đa phần kinh nghiệm thực chiến về SEO (đặc biệt là offpage và cách triển khai SEO ở giai đoạn đầu đối với một website mới) khá yếu. Nguyên nhân là các website lớn rất ít (hoặc không có) chi tiền cho việc đẩy offpage, cùng lắm là chỉ cho nhân viên đi link tay. Và hơn nữa các bạn SEO khi làm ở các website lớn đều là lúc nó đã hình thành rồi (người giỏi nhất là người đã lên plan và thực thi ở giai đoạn đầu thì thường đã nghỉ).
  • Các bạn làm tốt nhất về phần Onpage và content. Tuy nhiên, chưa xác định được ở phần Onpage cái nào cần thiết để làm, cái nào không cần thiết có thể bỏ qua mà vẫn làm website phát triển tốt về thứ hạng. Vì khi làm đi làm lại một website trong thời gian dài thì bạn mới có thời gian để tối ưu cái web lên 9.9, 10 điểm.
=> Lúc này cần screen tiếp CV để xem ứng viên có làm dự án riêng nào lên top hoặc ra tiền không, nếu không có thì thường trình độ bạn này khá thấp.
2. Đối với các ứng viên có thời gian làm việc chủ yếu ở Agency.
  • Nếu làm ở các Agency tổng hợp: Các bạn này kinh nghiệm thực chiến còn ít hơn cả các bạn làm inhouse. Điểm nổi trội nhất của các bạn làm SEO ở agency chính là khả năng thuyết trình và làm plan, đặc biệt là làm ở Agency càng lớn. Agency lớn thì chỉ cho làm plan, sau đó outsource ra ngoài để ăn tiền chênh lệch. Và client của các agency này thường không muốn đụng vào phần offpage.
  • Nếu làm ở các Agency chuyên về SEO: các bạn này thì trình độ có khá hơn tí, nhưng cũng tầm trung trở xuống ở mọi level.
3. Ở bước screen CV thì mình đánh giá cao nhất những ứng viên có dự án riêng, đặc biệt là dự án đó có lên top từ khóa nào đó, nếu mà ra tiền tự dự án đó luôn thì quá tốt. Vì ít nhất bạn đó cũng có can đảm và sự quyết đoán để ra làm riêng, không dính mãi ở công ty (làm SEO mà làm công ăn lương không thì bèo lắm).

II. CÁC CÂU HỎI KHI PHỎNG VẤN

Khi phỏng vấn thì mình thường theo flow các câu hỏi sau đây:

1. Em thấy mình mạnh nhất/tự tin nhất về phần nào khi làm SEO?

Đây luôn là câu hỏi đầu tiên mà mình hỏi ứng viên. Mục đích là để xem bạn tự tin vào phần nào, yếu phần nào. Sau đó sẽ xoáy sâu vào cái mà bạn tự tin nhất và tìm hiểu lý do tại sao bạn yếu/thiếu tự tin những cái còn lại.
Từ câu hỏi trên mình sẽ theo flow mà hỏi tiếp. Sẽ có rất nhiều câu trả lời như em mạnh về plan, mạnh về content, quản lý, onpage, offpage, triển khai link building…

2. NẾU ỨNG VIÊN TRẢ LỜI MẠNH VỀ ONPAGE

2.1 Theo em thì những tiêu chí/công việc Onpage nào quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến dự án?
2.2 Đối với một website hoàn toàn mới, trong 1 tháng đầu tiên, tiêu chí/công việc Onpage nào là quan trọng nhất?
2.3 Em chia các công việc Onpage ra làm mấy loại? Cụ thể là gì?
2.4 Trong toàn bộ những checklist Onpage mà em kể trên, theo em cái nào không làm/không tối ưu thì không ảnh hưởng gì/ảnh hưởng rất nhỏ tới dự án?
Nếu bạn phỏng vấn ứng viên từ level Lead trở lên, có thể hỏi thêm một số câu như:
2.5 Em sẽ tối ưu checklist/công việc Onpage nào để đẩy nhanh tốc độ của dự án trong 1 – 2 tháng đầu tiên?
2.6 Nếu công ty có rất nhiều dự án, thì em sẽ phát hiện các lỗi Onpage như thế nào? Và làm sao để không miss?
=> Nếu ứng viên nói về một tiêu chí Onpage nào đó, thì hãy đặt câu hỏi “tại sao” để xoáy sâu vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của ứng viên vào vấn đề đó. Ví dụ nếu ứng viên trả lời Title và H1 là một tiêu chí Onpage quan trọng, thì hãy hỏi tại sao nó lại quan trọng (thường là sẽ trả lời làm tăng CTR, giúp người dùng click vô nhiều hơn, nhưng cái này sai nếu website chưa lên top key nào hết).

3. NẾU ỨNG VIÊN TRẢ LỜI MẠNH VỀ OFFPAGE

2.1 Offpage chia ra làm mấy phần?
2.2 Mấu chốt để mang lại sự hiệu quả cao nhất khi triển khai Link Building là gì?
2.3 Làm thế nào để em biết cách triển khai link nền (mấy bạn hay gọi là Entity đó) của bên dịch vụ/inhouse hiệu quả/đang làm tốt?
2.4 Khi nào thì em bắt đầu đẩy link vào website? (Dựa vào đâu, có chỉ số nào đo lường cụ thể không hay hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm).
2.5 Sau khi đẩy link nền thì đo lường hiệu quả nó như thế nào?
2.6 Các hình thức triển khai link building khác mà em thường làm?
2.7 Em đẩy signal cho website mới như thế nào?
2.8 Tư duy triển khai Guest Post, Textlink, Traffic Users: khi nào làm được, làm ra sao, hiệu quả như thế nào, đo đạc ra sao?
2.9 Textlink có công dụng chính là gì? Đặt ở đâu hiệu quả nhất? Tại sao?
2.10 Khi nào thì bắt đầu đẩy textlink được?
2.11 Cách triển khai Guest Post như thế nào: nội dung, cách đặt anchor, link, khi nào triển khai…
2.12 Cách đẩy traffic users như thế nào: khi nào đẩy, đẩy key gì, bao nhiêu volume, chia ra bao nhiêu tháng…
Xong phần 1…
Rảnh viết tiếp phần hai với câu hỏi về tư duy khi làm SEO, cách quản lý đội ngũ và tracking dự án…
Author: Trần Nhân – Group Nghiện SEO
4.7/5 - (3 bình chọn)