ChatGPT và chẳng có thảm họa nào cả

Tôi thì dùng AI để hỗ trợ viết bài từ 06/2021, số lượng bài viết tạo ra là vài nghìn, nên cũng có thể coi là có chút kinh nghiệm! Một trong những nhược điểm dễ thấy nhất của AI là chất lượng nội dung nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là hiệu suất. Không dùng cũng không phải vì nó không tốt nữa mà vì nó không có khả năng/hoặc do mình chưa biết cách scales nó lên đến hàng trăm nghìn bài.

I. AI làm mất việc làm hay hỗ trợ con người làm việc

Thực tế khi mình dùng dùng AI mình vẫn phải có nhân sự làm content, vì quy trình có AI tham gia không tốt đến mức “đưa con bò vào một bên và đầu kia cho ra cái xúc xích”. Vì vậy, không thể nói là AI làm mất việc của writer, mà AI chỉ làm giảm số lượng sự content. Cái sự giảm này nó giống như chọn lọc tự nhiên vậy, số ít còn trụ lại phải biết thích nghi với công cụ mới, thay đổi thói quen làm việc cũ và trở thành tinh hoa.
Trong một vài trường hợp AI không giải quyết được vấn đề, cụ thể với ChatGPT. ChatGPT chỉ thu thập dữ liệu từ 2021 trở về trước. Nhưng phải thừa nhận rằng có những dữ liệu từ 2021 trở về trước nó sẽ luôn đúng, đúng cho hiện tại và cả tương lai nữa. Như vậy, nếu có một cái gì đó được con người creative trong 2022 đến nay thì chatGPT không biết. Vì vậy tôi có thể tạm chia thành 2 dạng nội dung mà AI sẽ không thể giải quyết được.

1. Những nội dung cần tính cập nhật liên tục

– Nếu hỏi AI: các bãi biển đẹp nhất Việt Nam, thì danh sách này sẽ không quá thay đổi nhiều. Mà đối với người đọc thì câu trả lời sẽ khó phân định rạch ròi đúng sai, vì câu trả lời mang tính cảm nhận cá nhân nhiều
– Tuy nhiên nếu hỏi AI các quán phở ngon nhất tại Hà Nội thì có khả năng cao AI trả lời sai, vì từ 2021 đến nay rất nhiều quán phở mới được mở rồi
– Nếu hỏi AI: IELTS là gì, tam giác đều là gì, Canada ở đâu, tại sao máy bay bay được..(các định nghĩa, kiến thức vật lý, địa lý) thì không cần cập nhật thêm kiến thức từ 2021 đến nay, câu trả lời sẽ luôn đúng
– Tuy nhiên nếu hỏi AI: Kinh nghiệm luyện nghe tiếng anh, thủ tục xin visa đi Canada, vé máy bay ở hiện tại thì chắc chắn AI sẽ cho câu trả lời không thỏa đáng. Vì kinh nghiệm có thể lỗi thời, còn thủ tục visa thì có thể thay đổi theo từng năm và vé máy bay thì thay đổi theo từng phút.
Như vậy nhưng nội dung mang tính cập nhật trong thời gian gần là AI sẽ có xu hướng chậm/sai. Tương tự với các sự kiện thể thao, sự kiện chính trị hay xã hội. Các nội dung này sẽ cho ra câu trả lời khác nhau ở mỗi thời điểm khác nhau

2. Những nội dung chuyên môn sâu

Có một vài bài báo nói về về ChatGPT đã giúp cho một writer kiếm được $600 sau khi người này gửi bài viết của mình cho một tòa soạn. Hay ChatGPT cũng đã từng làm một bài luận cho chương trình đại học được các giảng viên đánh giá rất cao.
Những chuyện này có thật, vì có thể trong vài năm qua những gì chúng ta đọc được trên Google là do AI viết rồi (tiếng anh)
Tuy nhiên, những nội dung có chuyên môn sâu, chia sẻ mang tính cá nhân hóa, thể hiện được góc nhìn và phong cách của tác giả thì AI không thể làm được. Tôi nói trong phạm vi chuyên môn của tôi là SEO, giờ nếu tôi muốn viết bài “Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa” thì tôi chẳng cần search Google mà tham khảo bài viết của ai cả, cũng chẳng cần trích nguồn gì cả mà đã viết thì cứ đặt tay lên bàn phím mà viết thôi.
Tương tự thế đối với những ngành nghề khác: bác sĩ, luật sư, kỹ sư cơ khí..những người có chuyên môn cao, kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm đủ lớn thì chính bản thân họ là một nguồn thông tin rồi. Không cần ai, không cần AI giúp họ tạo ra nội dung, những gì trong đầu họ mới là thứ khiến tất cả phải học theo.
Theo hướng tích cực, những bài viết kiểu này sẽ được trả giá cao hơn!

II. Google có bị đe dọa không

Một số nguồn đưa tin Google đã đưa báo động đỏ cho toàn công ty. Còn phía Microsoft đang lên kế hoạch tích hợp công cụ tìm kiếm Bing của mình với ChatGPT, tích hợp mới sẽ cho phép Bing Search trả lời các từ khoá tìm kiếm bằng các câu hay đoạn văn hoàn chỉnh thay vì chỉ là cung cấp một loạt các liên kết.
Thực tế Google cũng có các dạng trả lời nhanh các truy vấn bằng văn bản, bảng biểu hay hình ảnh rồi. Nó có 2 dạng:
Một là Google Knowledge Graph: Phần nội dung hiển thị bên phải, cùng vị trí với Google My Business. Google Knowledge Graph hay còn gọi là sơ đồ tri thức trả lời cho các truy vấn về: sự kiện, tên một tổ chức, tên một nhân vật (người của công chúng), tên thiết bị/vật liệu hay một định danh cụ thể
Hai là Google Hummingbird, đây là nội dung được hiển thị trên cùng, thường không có phần Google Ads, đứng trên SEO, đứng trên tất cả. Người dùng nhìn thấy Google Hummingbird thì có thể không cần click vào bất kỳ kết quả SEO nào, vì câu trả lời rất rõ ràng và đầy đủ. Các truy vấn xuất hiện Google Hummingbird nhìn chung là ít, có thể kể đến như:
– Kết quả các giải đấu thể thao đang diễn ra: epl, c1, laliga…v.v. Khi search những từ khóa này sẽ hiển thị kết quả bóng đá mới nhất, bảng xếp hạng, cầu thủ ghi bàn, thẻ phạt..v.v cập nhật theo phút
– Quy đổi ngoại tệ, ví dụ “100 dollar bằng bao nhiêu tiền việt nam”. Kết quả trả sẽ hiển thị sẵn ở vị trí cao nhất, đẹp nhất, ở màn hình đầu tiên trên mọi thiết bị, người dùng chẳng cần phải bấm vào kết quả SEO hay Ads nào cả. Vào từ Google và kết thúc từ Google
Như vậy là, Google hoàn toàn có khả năng tự trả lời các truy vấn giống như chatGPT nhưng Google đang giới hạn những gì mà Google trả lời thôi.
Tại sao Google lại giới hạn thì lý giải cho việc này có thể là để win-win-win cho các bên. Chẳng hạn giờ mà search “xsmb” lại ra Hummingbird thì rõ ràng các website kết quả xổ số sẽ mất đi một lượng lớn traffic, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Trong cả 2 trường hợp thì chỉ có người dùng là Win thôi, vì họ chỉ cần biết “đề hôm nay về bao nhiêu”.
Còn webmaster là loser, webmaster lose thì webmaster sẽ bỏ Google, mà webmaster bỏ Google thì Google lại mất nội dung được cập nhật từ webmaster. Vì vậy, duy trì mối quan hệ Win-win-win giữa Người dùng – Google – Webmaster là việc tối quan trọng mà Google cần phải làm được.
Đừng quên Slogan của Google từ năm 1999 – 2018 là “Don’t be evil” – Đừng trở thành Quỷ! Google có dữ liệu lớn khủng khiếp, họ có khả năng làm điều mà Bing Search với chatGPT sắp kết hợp mà họ chưa làm. Chứng tỏ họ chưa tìm được phương án win-win-win.
Tôi đoán, đoán thôi. Chắc Bing với chatGPT sẽ cho hiển thị kết quả ở bên phải, vị trí của Knowledge Graph. Chứ câu trả lời của AI mà còn hiển thị trên cả quảng cáo thì ảnh hưởng rõ ràng đến doanh thu của Bing rồi.

III. Khai thác chatGPT hiệu quả

1. Đừng cố chứng minh AI ngu

Đừng cố chứng minh 2 + 5 bằng 8 hay ông mặt trời mọc ở hướng tây. Vì AI không có cảm xúc nhưng nó được huấn luyện để đưa ra câu trả lời xoa dịu cảm xúc của người dùng. Thật vậy, tối qua lúc tám chuyện với nó, tôi thấy nó đưa ra một văn bản trả lời có dấu !. Tôi mới hỏi nó tại sao mày dùng dấu ! trong câu trả lời, nó bảo nó được huấn luyện để nhận định cảm xúc của người dùng.
Đây là một tính năng mà chatGPT hơn các công cụ AI trước đó. Nó không đi vào giải thích đúng sai, nó biết nó đang bị trêu nên nó trả lời hài hòa. Vì vậy, nếu nó thừa nhận 2 + 5 bằng 8 thì nó chỉ thừa nhận với bạn thôi. Đến lúc tôi vào hỏi thì nó vẫn sẽ trả lời 2 + 5 = 7

2. Chú ý đến ngữ cảnh

Có lần tôi hỏi nó: thời điểm tốt nhất để đi câu cá biển là lúc nào, nó bảo là cuối tuần đi với bạn bè cho nó chilling. Nhưng thực ra tôi lại tìm câu trả lời là: thời điểm câu cá biển tốt nhất là buổi trưa vì giờ đó cá nó mới ngủ dậy.
Hai câu trả lời này đều đúng trong một ngữ cảnh nào đó. Vì vậy, khi sử dụng AI nói chung thì cần chú ý đến các thông tin mà trước đó bản thân mình đã nạp vào cho nó. Đang nói chuyện này rồi nhảy qua chuyện kia là rất có thể nó bị sai.

3. Đừng kỳ vọng quá cao

Có 2 sự kỳ vọng cao ở đây: 1 là chất lượng nội dung và 2 là văn phong mượt mà. Hai điều này tôi cũng có nói ở phần (I) rồi. Các gì liên quan đến: thuật ngữ, định nghĩa, vật lý, địa lý..thì đáng tin cậy. Còn văn phong là chuyện mang tính cá nhân hóa, khi mình kết luận một bài viết hay hay dở là đã đặt cảm xúc ở trong sự phân tích rồi. Mà thật ra nếu bài viết của nó bạn thấy dở mà người khác thấy hay thì cũng là chuyện bình thường.
Và về ngôn ngữ, mặt bằng chung thì tiếng anh đọc mượt hơn tiếng Việt.

4. Dàn ý

Không biết ông anh kiếm $600 bên trên có đưa dàn ý cho chatGPT viết không, hay nội dung bài luận cũng phải có dàn ý trước. Nhưng mà rõ ràng những người làm SEO chúng ta rất giỏi lên dàn ý! Viết thì có thể không hay thôi! Dàn ý giống người thợ uốn nắn cây cảnh vậy, phải uốn thì cành cây mới mọc theo ý mình được. Có dàn ý và đưa AI viết từng đoạn nhỏ rồi chắp nối lại sẽ tốt hơn là đưa một cái tiêu đề để AI viết cả bài.
Cũng giống khi thuê CTV viết bài thôi, bài viết đi thuê có gửi dàn ý lúc nào chả hay hơn bài không có dàn ý.
Cuối cùng,
Bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng có đau thương. Ở thế kỷ 20, khi 3.0 máy móc công nghiệp thay thế con người khiến cho hàng triệu công nhân mất việc làm, họ đã biểu tình rất nhiều, rồi xã hội sẽ sắp xếp lại trật tự, rồi đâu lại vào đấy.
Giờ là 4.0 thì cũng sẽ tương tự khi mà một số ngành nghệ bị đe dọa mất việc làm, chúng ta có thể biểu tình online hoặc học cách thi nghi: sống chung với nó, làm bạn với nó, điều khiển nó và khống chế nó hihi.
Author: Ninh Thành Nam – Nghiện SEO
5/5 - (1 bình chọn)