Bài viết là quan điểm cá nhân và dựa trên quan sát thực tế khi mình viết bài/proofread bài tiếng Anh. Bài viết tập trung vào yếu tố chất lượng chủ yếu từ góc độ ngôn ngữ, từ đó giúp các bạn content writer hạn chế các lỗi hay mắc phải khi viết bài.
1. Chất lượng content writer tiếng Anh người Việt
- Về tư duy viết bài:
-
Bị ảnh hưởng bởi tuy duy viết tiếng Việt. Theo mô hình tư duy văn hóa của Kaplan (1966) thì người bản ngữ sẽ có lối tư duy trực tiếp trong khi người phương Đông, trong đó có người Việt, tư duy theo mô hình xoắn ốc với lối viết vòng vo. Dường như tư duy viết xoắn ốc được khuyến khích từ khi chúng ta học THCS và THPT, khi mà mở bài theo hướng gián tiếp sẽ được “ưu ái" hơn mở bài trực tiếp. Và nó còn nguy hiểm hơn khi nhiều bạn writer cố tình viết dài dòng để đủ yêu cầu về số lượng từ.
-
Tư duy theo “thể loại" review X, best X for Y, info, v.v. Chẳng hạn như dạng review sản phẩm thì rất nhiều bài viết có phần mở bài tương tự như nhau, hay có cách chuyển ý giữa các đoạn giống nhau. Về ngữ pháp thì có thể không sai nhưng bài viết sẽ rất nhàm, và không thu hút được người đọc.
- Về năng lực ngôn ngữ/văn hoá: Hiện nay nghề content writer tiếng Anh rất cạnh tranh khi đa phần mọi người mặc định cho rằng chỉ cần “biết" tiếng Anh là có thể viết được content writer tiếng Anh. Nhưng thực tế, biết tiếng Anh thôi là chưa đủ, mà còn phải am hiểu về ngôn ngữ/văn hoá để sử dụng đúng, đủ và đỉnh về ngữ pháp, ngữ nghĩa và dụng học. Ví dụ ở các câu sau, nếu không có chuyên môn sâu về ngôn ngữ thì rất khó để phân biệt được sự khác nhau:
VD 1: It is very important to have some grasp of what makes English content appealing. <> Having/to have some grasp of what makes English content appealing is very important.
VD 2: Though SEO is a profitable strategy to implement on websites, some don’t realise its importance. <> Some don’t realise its importance though SEO is a profitable strategy to implement on websites.
Ngoài ra, nắm chắc ngữ pháp và cách dùng từ rất quan trọng khi cần chèn từ khoá, đặc biệt là những từ khoá long-tail hay các từ khoá khó để chèn một cách tự nhiên vào bài.
- Về quy trình viết bài: Thông thường, quy trình viết bài mình hay làm sẽ là: (1) tham khảo các bài Top Google + chất lượng (có nhiều bài rất tốt nhưng không được rank top) => (2) Đọc hiểu, kiểm tra các facts và lên outline => (3) viết bản draft dựa trên outline + thông tin tổng hợp + kiến thức chuyên môn của bản thân => (4) tối ưu/chỉnh sửa/proofread => (5) gửi bài => (6) chỉnh sửa theo phản hồi của khách hàng cho đến khi đạt.
Trong quy trình này, nếu cá nhân content writer không có khả năng tiếng tốt + kinh nghiệm tìm kiếm thông tin thì sẽ gặp vấn đề từ ngay bước (1); nếu là agency thì có thể gặp vấn đề ở bước (4) khi editor cần xử lý số lượng bài lớn và có nhiều lĩnh vực không phải chuyên môn của editor.
Một vấn đề khác là sử dụng chatGPT rồi chỉnh sửa lại, mình thấy nó rất mất thời gian và còn không nhanh như viết tay từ đầu, đặc biệt với các chuyên ngành khó như tài chính, công nghệ, kỹ thuật, v.v. Sử dụng ChatGPT để lên outline cũng được, nhưng nếu writer có kinh nghiệm thì việc tự lên outline cho một bài viết không khó.
Hoặc là sử dụng content tiếng Việt dịch sang tiếng Anh thông qua các công cụ dịch thuật và chỉnh sửa lại. Content tiếng Việt có thể cũng là bản dịch từ tiếng Anh nên khi dịch nhiều lần sẽ dẫn đến sai lệch thông tin; content writer không có chuyên môn về dịch thuật sẽ khiến bài viết tiếng Anh không tự nhiên và tất nhiên là không đáp ứng được yêu cầu đúng ngữ pháp, ngữ nghĩa cơ bản.
2. Writer người Việt (1) hay Ấn Độ/Pakistan/Nigeria (2)?
Đầu tiên, Content Writer nhóm (1) và (2) đều không thể tạo ra nội dung “chuẩn bản ngữ" 100% được. Theo quan điểm World English(es) của Kachru (1985) thì Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand là các quốc gia sử dụng tiếng Anh “chuẩn", Ấn Độ/Pakistan/Nigeria sử dụng tiếng Anh cùng với tiếng địa phương, còn Việt Nam là quốc gia học tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Tuy nhiên, content writer người Ấn Độ/Pakistan/Nigeria sẽ có nhiều khả năng viết tốt hơn vì họ sử dụng và tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên hơn. Nhưng mình cũng biết không thiếu content writer người Việt viết bài cho các agency nước ngoài, khi mà đối tượng độc giả là người bản ngữ.
Về mặt chi phí, mức rate cơ bản cho writer tầm trung ở nhóm (1) và nhóm (2) gần hoặc tương đương nhau, nên nhiều SEOer Việt nếu biết tiếng Anh cơ bản có thể sẽ thích chọn nhóm (2) hơn. Nhưng nếu cần số lượng lớn thì mọi người có thể thuê agency Việt Nam hoặc tuyển 1-2 bạn người Việt viết.
Tóm lại, vấn đề chọn nhóm (1) hay nhóm (2) không quan trọng, mà quan trọng là tìm được đối tác có chuyên môn tốt và phù hợp để làm việc cùng.
Author: Nguyễn Hiếu - Group Nghiện SEO
(BÀI VIẾT CŨ XIN PHÉP ĐƯỢC ĐĂNG LẠI)