Hướng dẫn cách phân tích từ khóa bán hàng

Hướng dẫn cách phân tích từ khóa bán hàng. (Bài này mình chia sẻ vào năm 2018 và đến hiện tại vẫn xài được nên muốn chia sẻ lại cho bạn nào chưa đọc, hy vọng có ích cho newbie)

Phân tích từ khóa là thuật ngữ trong SEO mà bất cứ người làm SEO nào cũng biết đến nó. Tuy nhiên để thực hiện một chiến dịch SEO hiệu quả thì biết thôi là chưa đủ mà phải hiểu và thành thạo, nó được xem là một kỹ năng sống còn để có thể nâng cấp level của mình lên tầm Leader. Trước khi đi vào hướng dẫn tôi xin đi từ đầu về phân tích từ khóa cho một số bạn chưa nắm kỹ có thể tham khảo.

Phân tích từ khóa là gì?

Phân tích từ khóa (PTTK) là một thuật ngữ trong SEO (Adwords cũng dùng thuật ngữ này nhưng ở SEO phổ biến hơn), PTTK là một công đoạn rất công phu được triển khai trước khi tiến hành bất kỳ một chiến dịch SEO nào và nó là một trong những yếu tố khá quan trọng quyết định sự thành công của kế hoạch SEO và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp đầu tư vào SEO nhiều).

Công việc chính của việc phân tích từ khóa là tìm ra những từ khóa có nhiều người tìm nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty nhất và quan trọng hơn hết là phù hợp nhất với năng lực nhân sự (tôi hay gọi nôm na là phù hợp với sức mạnh nội tại của công ty)

Có bao nhiêu dạng từ khóa?

Tùy vào trung tâm đào tạo hoặc các thầy dạy SEO mà từ khóa được chia theo nhiều dạng hoặc dùng nhiều ngôn từ khác nhau để phân biệt các dạng từ khóa. Ở bài này tôi sẽ hướng dẫn phân loại từ khóa liên quan đến các trang web bán hàng vì ở lĩnh vực này từ khóa đa dạng nhất và những người làm SEO mới ra nghề thường khó khăn trong giai đoạn PTTK này. Tôi chia các từ khóa ra các dạng như sau:

1. Từ khóa bán hàng:

Không cần biết nó dài nó ngắn, không cần biết nó ngách hay không. Chỉ cần biết 1 điều người search từ khóa đó là khách hàng tiềm năng của chúng ta thì tôi sẽ liệt kê vào nhóm này. Ngách thì SEO trước và không ngách thì SEO sau. Lời khuyên là bạn nên sắp xếp ngay từ đầu nếu bạn không muốn loạn cào cào về landing page sau này khi từ khoá lên đến 10k. Ở nhóm này từ khóa nó sẽ có các dạng sau đây:

Từ khóa chung chung (Bạn xem thử các danh mục của các website bán mỹ phẩm, mỗi danh mục đều chứa đựng từ khóa tham vọng cả đấy). Người dùng search từ khóa này có thể là lần đầu tiên họ sử dụng hoặc đã từng sử dụng nhưng không nhớ chính xác tên sản phẩm. Dạng từ khóa này có khả năng chốt sale nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chốt sale của từ khóa như: website của bạn trông thế nào, danh mục có hoành tráng nhiều dạng sản phẩm không hoặc có sản phẩm mà khách đang muốn kiếm không.

Ví dụ về từ khóa chung chung: kem trị mụn, kem trị nám, kem dưỡng da ….

Từ khóa đúng tên sản phẩm (details sản phẩm) hoặc tên thương hiệu sản phẩm (danh mục thương hiệu của sản phẩm): Người search từ khóa này thường là người đã từng dùng sản phẩm họ muốn quay lại hoặc có thể là được bạn bè giới thiệu về sản phẩm, một số ít thì thấy đứa kia nó xài thấy hiệu quả nhưng ghét không hỏi search tìm hiểu thử xem nó như thế nào. Dạng từ khóa này có khả năng chốt sale cao nhưng nó đòi hỏi sản phẩm của bạn đã tung ra thị trường trong một khoảng thời gian đủ dài.

Ví dụ về từ khóa đúng tên sản phẩm: Kem sakura, Sakura White Blossoms HCL …

Từ khóa chung liên quan đến tính năng (tôi hay đặt ở Tag hoặc bạn có thể viết một bài ở mục tin tức cho nó): Người search từ khóa này là họ đang bị một vấn đề nào đó và cần tìm một sản phẩm xử lý tốt vấn đề của họ. Dạng từ khóa này có khả năng chốt sale tốt nếu bài viết của bạn xử lý vấn đề đó đủ để người dùng đọc vào họ có thể an tâm hoặc tin tưởng.

Ví dụ về từ khóa chung liên quan đến tính năng sản phẩm: kem dưỡng da không ăn nắng, kem trị mụn đầu đen, kem dưỡng da tuổi trung niên …

Từ khóa tính năng của thương hiệu sản phẩm (có thể ở luôn trong detals sản phẩm nếu landing page của bạn đủ mạnh, theo tôi bạn nên SEO tag hoặc có bài viết riêng thì sau này bạn có nhiều vị trí trên top hơn). Nó khác với dạng từ khóa trên ở chỗ là người dùng search đích danh sản phẩm họ muốn tìm kiếm nên khả năng bán hàng sẽ cao hơn ở dạng từ khóa trên.

Ví dụ về từ khóa tính năng của sản phẩm: Kem trị mụn sakura, kem trị sẹo scarheal, mỹ phẩm dưỡng da the face ….

Từ khóa địa điểm mua bán (Landing page là một bài viết tin tức hoặc cũng có thể là Tag sản phẩm nếu bạn muốn tiện hơn cho khách tham khảo các sản phẩm sau khi đọc bài viết): Không cần phải nói nhiều thì bạn cũng biết nhóm từ khóa này khách hàng họ đang có nhu cầu cao như thế nào, những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ chốt sale thường là giá cả, khuyến mãi, thương hiệu công ty, hoặc các lợi thế cạnh tranh bạn nêu trong bài viết chưa đủ hấp dẫn khách hàng.

Ví dụ về từ khóa địa điểm mua bán: Mua kem dưỡng da ở đâu tốt, chỗ bán kem trị mụn uy tín tại TPHCM, Mua kem trị nám ở đâu tại Hà Nội …

Từ khóa nguồn gốc (Landing page có thể là bài viết tin tức hoặc Tag): Ở nhóm từ khóa này có thể là khách hàng lần đầu tiên sử dụng đến sản phẩm, đang tìm sản phẩm thay thế vì sản phẩm hiện tại không hiệu quả hoặc họ mất niềm tin ở các doanh nghiệp khác (hơi trừu tượng nhưng đọc ví dụ bạn sẽ hiểu hơn về nhóm từ khóa này)

Ví dụ về từ khóa nguồn gốc sản phẩm: Kem trị mụn của Mỹ, Kem dưỡng da của Nhật chính hãng, kem trị mụn hàng xách tay …

Từ khóa về review thương hiệu sản phẩm (landing page có thể là bài viết tin tức hoặc Tag nhưng lời khuyên của tôi là bạn nên đặt bài viết này ở một website trung gian vì khách hàng cho rằng mèo khen mèo dài đuôi dẫn đến niềm tin của họ khi đọc bài viết sẽ giảm bớt): Nhóm khách hàng của nhóm từ khóa này thường là lần đầu sử dụng, họ được bạn bè giới thiệu hoặc thấy nhiều bên quảng cáo nhưng chưa tin lắm nên muốn tham khảo thêm.

Ví dụ về từ khóa review sản phẩm: Kem trị mụn sakura có tốt không, có ai xài mỹ phẩm the face chưa, kem trị mụn nào tốt nhất hiện nay, mỹ phẩm the face có tác dụng phụ không …

Từ khóa về độ rủi ro: (Landing page có thể là bài viết tin tức hoặc Tag): Người search từ khóa này thường là dạng có hiểu biết nhiều về các thành phần có trong sản phẩm hoặc họ bị dị ứng đối với các thành phần đó và muốn sử dụng các dạng khác.

Ví dụ về từ khóa về độ rủi ro của sản phẩm: Sữa rửa mặt không có paraben, Sữa rửa mặt không có hạt, sữa rửa mặt không cồn, kem trị mụn không chứa corticoid ….

  • Từ khóa đặc điểm nhận dạng (Landing page có thể là Tags nếu bạn có nhiều sản phẩm tương đồng về đặc điểm hoặc details sản phẩm nếu bạn chỉ có 1 sản phẩm có đặc điểm đó): Khách hàng tìm kiếm dạng từ khóa này là những người có sở thích về đặc điểm đó hoặc đã bị các thương hiệu “giáo dục người dùng” về nhận thức đặc điểm sản phẩm. Đặc điểm nhận dạng là cái mà chúng ta có thể nhìn bằng mắt thường hoặc nó thể hiện qua hình dạng vật lý mà qua đó ta có thể dùng nó để phân biệt với các sản phẩm khác có cùng công dụng.

Ví dụ về từ khóa đặc điểm nhận dạng: Viên uống trắng da, kẹo hồng sâm 200g, bột đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo nguyên con, serum chống lão hóa, căn hộ 2 phòng ngủ, căn hộ có ban công …

Từ khóa về giá của thương hiệu, sản phẩm (Landing page tốt nhất cho dạng từ khóa này là các bài sale page không hiển thị giá ở đầu trang): Khách hàng tìm bằng những từ khóa này thường là những khách hàng chưa bao giờ sử dụng qua sản phẩm nên nếu chưa đọc qua thông tin sản phẩm mà nhìn ngay vào giá rất có thể nhiều khách hàng sẽ bỏ qua vì có thể giá cao hơn so với họ nghĩ. Hãy cho họ những thông tin về giá trị của sản phẩm trước khi cho họ biết giá sản phẩm như thế nào, lúc đó với những lợi ích mà sản phẩm đem lại thì với mức giá đó là rẻ hoặc hợp lý.

Ví dụ về từ khóa giá sản phẩm: kem sakura giá bao nhiêu, kem trị mun scarheal giá bao nhiêu ….

Từ khóa phân khúc thị trường (Landing page tôi thường sử dụng là Tags sản phẩm): Nhóm từ khóa này cũng tiếp cận đến nhóm đối tượng là khách hàng mới và họ đang tìm các dòng sản phẩm phù hợp với túi tiền của họ.

Ví dụ về từ khóa phân khúc thị trường: kem trị mụn 100k, kem trị mụn giá rẻ, kem trị mụn cao cấp …

Về nhóm từ khóa bán hàng tôi phân loại ra cac loại khác nhau mục đích để phân tích hành vi tìm kiếm của các dạng khách hàng, từ đó có thể viết nội dung phù hợp hơn với nhu cầu tìm kiếm, người dùng tiếp cận đúng thứ họ cần tìm sẽ có khả năng mua hàng cao hơn.

Author: Phan Thanh Giang - Group Nghiện SEO

(Bài cũ Group post lại)