Lại có bài hay cần share để các bạn làm SEO nên tham khảo ạ
Đây có lẽ là câu hỏi mà mình tin rằng rất nhiều bạn trẻ mới vào ngành marketing đều phân vân. Làm ở đâu thì tốt hơn? Thật ra, mỗi môi trường đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào tính cách, mục tiêu nghề nghiệp và giai đoạn phát triển của bạn. Mình sẽ chia sẻ sự khác nhau giữa 2 môi trường này để bạn dễ hình dung hơn:
1. Làm việc ở startup: Cơ hội trở thành super start đa năng, đa nhiệm
Ưu điểm
-
Học được nhiều thứ trong thời gian ngắn: Ở start-up, bạn có cơ hội chạm tay vào rất nhiều công việc khác nhau. Hôm nay bạn có thể lên kế hoạch chạy quảng cáo, ngày mai lại thử sức viết nội dung hoặc làm event.
-
Thoải mái sáng tạo: Start-up thường không gò bó bạn trong khuôn khổ. Nếu bạn có ý tưởng mới lạ, hãy mạnh dạn thử. Không có quy trình cứng nhắc nên bạn có thể tự do tìm ra cách làm hiệu quả nhất.
-
Thăng tiến nhanh: Vì team nhỏ, nếu bạn làm tốt mọi người sẽ nhận ra đóng góp của bạn ngay. Cơ hội để bạn có tiếng nói và thăng tiến trong công ty là rất lớn.
-
“Công thần khai quốc”: Bạn sẽ thấy mình như một phần quan trọng trong hành trình nuôi lớn đứa con tinh thần của sếp. Cảm giác này rất đặc biệt và đôi khi truyền cảm hứng để bạn cố gắng mỗi ngày.
Nhược điểm
-
Công việc hơi lộn xộn: Không có quy trình rõ ràng, đôi khi bạn sẽ bối rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào cho đúng.
-
Áp lực cao: Khối lượng công việc nhiều, tiến độ nhanh, và nguồn lực thì có hạn. Bạn sẽ phải thật sự kiên trì để không bị ngợp.
-
Ít sự hỗ trợ: Vì không có bộ phận chuyên môn rõ ràng, bạn có thể phải tự mày mò rất nhiều thứ, từ cách xử lý vấn đề đến tự học hỏi để cải thiện kỹ năng.
=> Nói chung bạn nào thích học hỏi, thích thử sức ở mỗi mảng 1 ít, thích tự do sáng tạo thì cứ mạnh dạn làm việc ở Start Up nha.
2. Làm việc ở tập đoàn lớn: Học cách làm việc chuyên nghiệp
Ưu điểm
-
Quy trình rõ ràng: Làm việc trong tập đoàn lớn, bạn sẽ biết chính xác mình phải làm gì và làm như thế nào, mọi thứ đều được chuẩn hóa, giúp bạn dễ dàng làm quen và phát triển.
-
Được đào tạo bài bản: Tập đoàn thường có các khóa học, chương trình mentoring từ các chuyên gia hàng đầu, đây là cơ hội để bạn học hỏi kiến thức và nâng cao kỹ năng marketing chuyên sâu.
-
Mạng lưới quan hệ rộng: Làm trong môi trường lớn, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ nhiều người giỏi. Điều này rất có lợi cho sự phát triển lâu dài của bạn.
-
Phát triển ổn định: Với lộ trình rõ ràng, bạn có thể định hướng nghề nghiệp dễ dàng hơn và phát triển từng bước một cách chắc chắn.
Nhược điểm
-
Công việc có thể đơn điệu: Do sự phân chia chuyên môn hóa cao, bạn chỉ đảm nhận một mảng nhỏ trong toàn bộ bức tranh marketing. Điều này có thể khiến bạn khó học được những kỹ năng khác.
-
Cạnh tranh cao: Trong một môi trường toàn người giỏi, bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều để nổi bật và tạo dấu ấn riêng.
-
Áp lực công việc siêu lớn: Một vài anh chị mình quen tâm sự có ngày họ làm việc đến 16h/ngày, có người bị loét dạ dày do áp lực KPI quá khủng. (Quả thật “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu cảm giác không ai chịu được”).
TÓM LẠI Nên chọn start-up hay tập đoàn lớn?
-
Nếu bạn muốn thử sức, học hỏi nhanh và sáng tạo không giới hạn, start-up là lựa chọn lý tưởng. Dù làm nhiều việc, nhưng những bài học từ thực tế sẽ giúp bạn trưởng thành nhanh hơn.
-
Nếu bạn thích môi trường ổn định, có lộ trình rõ ràng và muốn phát triển chuyên sâu về một mảng cụ thể, hãy chọn tập đoàn lớn. Đây là nơi cho bạn nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài.
Lời khuyên của mình:
Nếu bạn còn chưa biết mình thích gì hoặc giỏi gì trong marketing, hãy bắt đầu ở một start-up. Đây là môi trường tốt để bạn trải nghiệm và thử nhiều vai trò. Sau đó, khi đã hiểu rõ bản thân và muốn ổn định hơn, bạn có thể chuyển sang tập đoàn lớn.
Còn nếu bạn đã xác định rõ mình muốn theo đuổi một mảng marketing chuyên sâu (như digital marketing hoặc quản lý thương hiệu), vào tập đoàn lớn ngay từ đầu sẽ giúp bạn đi nhanh và đúng hướng hơn.
Riêng mình thấy các anh chị giỏi thường làm việc ở các công ty lớn trước, sau đó về lại startup để làm việc.
Bài của Facebook Trần Thúy Vy (Tâm sự content)