Mấy hôm trước có bài đăng lại (dịch và có chút biên tập) về cái status của 1 anh bạn bên Âu, có đề cập đến 3 khía cạnh: nội dung hữu ích, nội dung tuyệt vời và backlink,… nó cũng gây ra nhiều tranh cãi, nay mình lên bài này chia sẻ ý kiến cá nhân cho anh em cùng thảo luận thêm.
Ở trong tài liệu của Google về Tạo nội dung hữu ích có 1 đoạn “Ai (tạo ra nội dung)”, ngụ ý rằng để tạo ra nội dung hữu ích thì việc người dùng biết được ai tạo ra nội dung đó cũng rất quan trọng (nó không chỉ là yếu tố tác giả, mà còn “ai” còn liên quan đơn vị nào, web nào,…) từ đó tạo dựng được uy tín hơn, tăng độ tin cậy hơn.
Với những web mảng YMYL thì bạn càng thấy điều mình nói ở trên thể hiện rõ ràng, ví dụ: 1 bài viết về y khoa thì phần tác giả luôn là bác sĩ (thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa,…) nhưng thực chất cái bài đó có thể do 1 bạn content writer viết ra. Và nơi xuất bản bài viết đó càng lớn, càng uy tín trong ngành thì càng được ưu tiên hơn.
Tài liệu của Google nói như sau:
Mọi người sẽ dễ dàng nắm được E-E-A-T của nội dung nếu biết rõ ai là người tạo ra nội dung đó. Đó là “Ai” mà bạn cần xem xét. Sau đây là một số câu hỏi liên quan đến việc tạo nội dung mà bạn nên tự hỏi:
Khách truy cập có biết rõ ai là tác giả của nội dung không?
Các trang có dòng tên tác giả không và nên đặt ở đâu?
Dòng tên tác giả có cung cấp thêm thông tin về tác giả hoặc các tác giả có liên quan hay không, có cung cấp thông tin cơ bản về họ và các lĩnh vực của họ không?
Nếu đã thể hiện rõ ai là người tạo nội dung, có lẽ bạn đã theo đúng lộ trình về E-E-A-T để đạt được thành công. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích bạn thêm thông tin chính xác về quyền tác giả (chẳng hạn như dòng ghi tên tác giả) vào nội dung mà có thể độc giả cần biết.
Xem link gốc tại: https://developers.google.com/search/docs/fundamentals/creating-helpful-content?hl=vi
Mặc dù tác giả bài viết không phải là một yếu tố xếp hạng trực tiếp, nhưng nó có rất nhiều tác động về mặt tâm lý người dùng, và độ tin cậy khi tiếp cận bài viết đó. Ngoài yếu tố tác giả, thì mở rộng hơn ta sẽ nhìn về phía thương hiệu và domain.
Bạn đã từng thắc mắc: sao bài mình viết ra, nhưng xếp hạng rất thấp, bên đơn vị lớn hơn lấy bài đó đăng tải lại thì họ lại có xếp hạng cao hơn cả mình.
Và đó chính là yếu tố mình vừa phân tích ở trên: nội dung như nhau, nhưng được đăng tải bởi người đó là ai? Website nào? Thương hiệu nào? thì kết quả cho ra sẽ khác nhau (rõ ràng Google vẫn thích và ưu tiên cho những site lớn, có thương hiệu mạnh và đã được xác nhận bởi nhiều yếu tố), tất nhiên là về phía người dùng họ cũng cảm thấy tin tưởng, thích đọc những nội dung được viết bởi web lớn hơn.
Chưa kể: web lớn hơn thì lượng traffic mỗi ngày từ mọi nguồn cũng cao hơn, từ đó dù là bài mới đăng lên cũng sẽ có được tiếp cận người dùng tốt hơn so với website nhỏ.
Cuối cùng: mình minh họa bởi 2 tấm hình cho bạn dễ hình dung và hiểu vấn đề: cùng một nội dung status troll vui, nhưng sau 1 ngày thì:
-
Nó được đăng bởi mình thì chỉ có hơn 50 like và 22 bình luận
-
Nó được cậu bạn học mình đăng lại thì 5.9 like + 842 bình luận + 34 lượt chia sẻ
Như vậy, chúng ta làm SEO không nên có những suy nghĩ như sau:
-
Chỉ cần viết nội dung hữu ích, đáp ứng người dùng là TOP (Google chỉ nói 1 phần thôi, dĩ nhiên nội dung luôn tốt nhưng chỉ thế thôi chưa đủ)
-
Backlink không quan trọng, chỉ cần nội dung tốt: xin thưa là sai, thời nào thì backlink cũng quan trọng hết, nó là yếu tố giúp bạn xây dựng thương hiệu và độ uy tín (ngoài link thì còn có yếu tố mention). Nhưng cách triển khai thế nào cho đúng thì nó lại là câu chuyện về tư duy của bạn.
-
Nội dung của tôi là độc đáo và tuyệt vời nhưng không có TOP: đấy chỉ là bạn tự đánh giá chủ quan, còn phía Google khi đánh gia nó dựa vào nhiều yếu tố và tín hiệu khác nhau chứ không riêng gì đọc mỗi nội dung.
-
Google có “nói dối” khi luôn đưa ra lời khuyên “Bạn nên tập trung vào việc tạo nội dung ưu tiên con người để đạt được thành công trên Google Tìm kiếm”: thật ra Google không nói dối, chỉ là website của bạn chưa đủ thẩm quyền và độ tin cậy để Google tin rằng: những gì bạn viết là có giá trị tốt cho người dùng mà thôi
Vậy nên: Nội dung hữu ích là gì?
Câu trả lời dĩ nhiên như Google nói: “đáng tin cậy và ưu tiên con người”
Và để trở nên “đáng tin cậy” trong mắt người dùng lẫn Google, bạn cần:
-
Website của bạn phải đủ tốt: cả về yếu tố tối ưu technical trên onpage, lẫn trải nghiệm người dùng (tốc độ load, giao diện, màu sắc, bố cục trình bày (UX/UI)
-
Bạn nên tập trung song song vào cả 2 yếu tố: xây dựng nội dung và xây dựng thương hiệu, vấn đề này nó thiên về marketing hơn SEO, tuy nhiên nó lại có tác động cực lớn đến SEO, nên bạn đừng nghĩ rằng: cứ mua backlink báo, mua guest post, đi textlink,… là website của bạn có uy tín hay thương hiệu (cách làm này có khi còn bị đánh vào spam), phần này mình sẽ có bài phân tích chi tiết hơn sau.
-
Song song 2 yếu tố online + offline: hiện nay Google không chỉ đánh giá xếp hạng 1 trang web thông qua các thông tin online, mà nó muốn đưa mọi thứ đời thực và internet gần nhau hơn, do đó ngoài yếu tố phát triển online bạn nên chú ý với cả yếu tố offline: cửa hàng, văn phòng, giải thưởng, giấy chứng nhận, hình ảnh, hoạt động xã hội,… dù bằng cách show trực tiếp những thứ trên lên web hay mượn 1 domain uy tín hơn để đưa thông tin thì rõ ràng nó đều ánh xạ đến domain và thương hiệu trên website của bạn.
-
Nội dung hữu ích ngoài việc bạn viết hay, viết đủ và viết đúng bạn nên bổ sung thêm những thành phần khác chuyên biệt hơn, mang tính độc đáo hơn vào website (nhất là với những nội dung mang tính công thức, cách làm, định nghĩa,…) thì bạn cần bổ sung thêm hình ảnh thật của bạn, video quay lại quá trình bạn làm, hay bằng chứng về sự nghiên cứu của bạn về nội dung đó.
Ví dụ: Cùng là bài viết về “cơm chiên dương châu”, rõ ràng bạn thấy không có gì khác biệt trong khâu nguyên liệu, cách làm cho tới trình bày ra đĩa,… vậy đâu là cơ hội cho bạn trong khi bạn cũng không có cách nào sáng tạo ra công thức chế biến mới hơn? Thật ra chỉ có thể tăng thêm giá trị bằng hình ảnh bạn chế biến thật, thêm video quay lại quá trình bạn chiên cơm, và hình ảnh nguyên liệu cũng thật (chứ bạn lấy của bên khác đang TOP, hoặc lên Google search thì cơ hội so với ông lớn đang TOP là quá mong manh).
Như vậy, thông qua bài viết này, mình chỉ muốn chia sẻ thêm góc nhìn của mình (một người SEO thiên về content nhiều), để được xem là nội dung hữu ích bạn cần chứng minh thêm nó được viết bởi ai, xuất bản bởi website nào, và có cái gì đáng tin cậy hay không.
Công thức kiềng 3 chân của mình: Web tốt + Content tốt + Backlink tốt (nếu vẫn không TOP thì là ý trời ! hoặc mình đang định nghĩa sai về chữ “tốt”)
Author: Trịnh Bảo - Nghiện SEO