Dạo này nhiều anh em hay thắc mắc về mấy câu chuyện gõ site:url thấy mà check title không thấy, hoặc gõ site:url thấy mà công cụ báo không index,… và dĩ nhiên điểm chung của tất cả là đều mất TOP.
Nói về các giai đoạn Google thu thập dữ liệu và lập chỉ mục, thì mình hay có các ví dụ minh họa sau dành cho khách “low tech”, hãy nghĩ việc tất cả anh em viết content như đang làm bài trong một cuộc thi lớn, mà Google chính là ban giám khảo nhận bài thi và chấm điểm, bây giờ:
-
Lúc bạn làm bài thi = lúc bạn viết content
-
Không cần submit mà Google vẫn thu thập và lập chỉ mục = BGK tự đi thu bài
-
Bạn submit = bạn nộp bài cho BGK
-
BGK thu nhận và đọc bài = thu thập dữ liệu
-
BGK chấm bài của bạn và cho điểm = thu thập, lập chỉ mục và xếp hạng (kể cả ngoài 100 vẫn là xếp hạng)
-
BGK nhận bài, đọc bài nhưng không chấm, đem cất vào tủ = cái này có lẽ anh em đang bị (tức vẫn thu thập, vẫn index nhưng tìm không thấy bài)
-
BGK đã thu thập, đã chấm điểm nhưng trả bài rồi thu lại bài và đem cất = đã thu thập, lập chỉ mục + xếp hạng nhưng sau đó thu hồi lại và đem cất vào tủ (bạn và người dùng tìm lòi mắt không ra), này anh em cũng đang gặp.
Nói chung là ví dụ vậy cho dễ hình dung, mình hay tư vấn khách kiểu đó cho họ dễ hiểu thay vì dùng thuật ngữ chuyên ngành mà họ nghe như vịt nghe sấm.
Quay lại chủ đề thu thập dữ liệu và lập chỉ mục, để kiểm tra tình trạng index, bạn có nhiều cách để kiểm tra nhưng thói quen trước đây đa phần anh em sẽ check kiểu site:url hoặc sử dụng công cụ check index hoặc sử dụng chính Google Search Console để kiểm tra.
Thực tế toán tử site:url này dùng nhiều nhất là cho domain chính, để xem giới hạn kết quả trả về từ một trang web cụ thể.
Và hiện nay cách kiểm tra của các công cụ check index hay ép index trên thị trường thì đa số đang áp dụng: bỏ url lên Google search và tìm kiếm, nếu có xuất hiện thì là đã index mà không thì là noindex (chứ không phải site:url)
Để kiểm xem trạng thái Google thu thâp dữ liệu và lập chỉ mục thông Google search và công cụ bên thứ 3, mình thường sử dụng 5 cách kiểm tra tra như sau:
-
Gõ site:url trên Google search
-
Gõ “url” trên Google search
-
Gõ url trên Google search
-
Gõ “title” hoặc allintitle:“title” trên Google search
-
Copy 1 đoạn văn trong bài viết đó rồi tìm nó trên Google, hoặc sử dụng công cụ check đạo văn để xem Google có thu thập đoạn văn đó hay không.
Với một Url đang bình thường thì bạn dùng cả 5 cách trên sẽ đều trả về kết quả website bạn có mặt, những Url đang có TOP thì lại càng ra kết quả đầu tiên và chính xác.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy 1 trong 5 cách trên có lúc url xuất hiện, có lúc không thấy thì mình cá với bạn Url đó sẽ không còn TOP (nếu trước đó có TOP thì giờ cũng đã bay mất vào ngay lúc bạn đang check rồi)
Bạn hãy xem minh họa ở các tấm hình sau (đây là bài viết mà mình đã “khoe” TOP 1 vào tuần rồi, nhưng sau khi mình thấy ChatGPT viết cái chữ “Tạo lưu lượng tìm kiếm hữu cơ” hơi ngáo quá, mình đổi thành “Tạo lưu lượng tìm kiếm tự nhiên” thì nó mất TOP, kkk
Hình 1: kiểm tra “url” còn xuất hiện
Hình 2: kiểm tra site:url còn xuất hiện
Hình 3: kiểm tra gõ url thì mất tích
Hình 4: gõ allintitle:“tiêu đề” cũng mất tích
Hình 5: gõ site:url + từ khóa thì xuất hiện
Hình 6: kiểm tra đạo văn thì Google đã bỏ thu thập 1 số đoạn (có chữ độc đáo, tức là nó ghi nhận đoạn đó chưa web nào viết, bao gồm cả web mình)
Hình 7: copy thử 1 đoạn mà check ra “độc đáo” và search nó trên Google thì không xuất hiện
Hình 8: copy thử 1 đoạn check đạo văn ra “trùng lặp” với domain mình, thì dĩ nhiên nó xuất hiện + đúng đoạn đó in đậm
Bạn thấy rồi chứ, như vậy điều mà mình bị mất TOP ở bài đó, là sau khi mình sửa lại 1 chút nội dung thôi và submit lại ở Google thì đã bị Google cho ra đảo bài đó (có thể ít bữa nó về lại, mình theo dõi cũng nhiều bài như thế sau nó về lại)
Và nguyên nhân Google cho bay TOP là do nó có thu thập dữ liệu của bài đó, nhưng thu thập không đủ nội dung website của mình, và như mình nói ở đoạn trên: nếu bạn kiểm tra cả 5 cách như mình mà lúc có lúc không thì chắc chắn từ khóa chưa thể về.
Việc bây giờ là đau ở đâu, bôi thuốc ở đó đã (kiểu như gãi đúng chỗ ngứa đã), còn bao lâu lành lại vết thương và có lành hay không thì chẳng có thầy bà nào dám chắc vào lúc này (nếu có thì mấy ông bà đó chỉ cần nhận dịch vụ “phục hồi TOP” thôi đủ giàu rồi, kkk).
Nếu ai đó hỏi mình cách mà mình đang làm, thì hiện tại mình chỉ làm như sau:
- Viết lại những đoạn văn bị đưa vào “độc đáo”, cố gắng cái nào đáng dài ra thì dài, rút gọn ngắn bớt thì ngắn (bạn có thể dùng https://cloud.google.com/natural-language để kiểm tra điểm sentiment level)
Hoặc bạn cũng có thể dùng: https://hemingwayapp.com/ để check quy tắc Hemingway (nhưng chỉ tương đối thôi, chứ cứ tool nước ngoài dùng kiểm tra tiếng Việt đều là hên xui cả !)
-
Cố gắng để làm sao cho Google thu thập lại dữ liệu của bài viết, cái này thì mình: submit lại url (ít tác dụng), tăng tín hiệu người dùng truy cập vào url đó, chạy ads, sử dụng thêm internal link, backlink…)
-
Bật karaoke lên và ngêu ngao bài “Đợi Chờ Là Hạnh Phúc” thôi chứ chả có tips, trick gì cả.
Nói chung bài này cũng chỉ nêu ra để mọi người dễ hình dung ra vấn đề đỡ thắc mắc chứ mình chưa ngâm cứu ra giải pháp nào cụ thể (dù mình cũng đã áp dụng 1 số cách và về TOP thật, nhưng nó chưa là công thức nên không share) và nhiều dự án bên mình trước đó đã bị mất đến 25-40% traffic, nhưng nay đang bắt đầu quay lại mốc trước khi Google update (hình cuối)
Về toán tử, các bạn có thể dùng thêm:
-
related: (tìm từ cụm từ liên quan)
-
Inurl: hoặc allinurl: (tìm từ hay cụm từ chứa trong url)
-
intext: hoặc allintext: (tìm từ hay cụm từ)
-
cache: (xem cache của url đó)
-
intitle: hoặc allintitle: (tìm tiêu đề)
-
…vân vân và mây mây…
Nói về toán tử tìm kiếm thì có rất rất nhiều, mình cũng từng có bài chia sẻ về 42 toán tử tìm kiếm trên Google từ 2022, nhưng thật ra có mấy khi dùng tới đâu, nên cũng chỉ cần quan tâm chục cái toán tử như có đề cập ở trên là được.
Mò tiếp đi anh em, làm SEO thì cứ phải nghiên cứu, thử nghiệm thì sẽ tự tìm ra giải pháp có được kinh nghiệm. Chứ không phải cái gì cũng áp dụng kiểu step by step là xong đâu.
Author: Trịnh Bảo - Group Nghiện SEO