Hơi giật tít nhể.
Nhưng nó đúng mới mình. Đây cũng là cách mình đã và đang áp dụng cho một số dự án SEO mình đã làm trong 5 năm qua. Nó có thể đúng với mình nhưng chưa hẳn đã đúng với các anh/chị/em làm SEO khác nên đây chỉ là chia sẻ lại kinh nghiệm của mình.
Bài viết này mình sẽ giải đáp cách phân tích từ khóa chuyên sâu theo hành trình khách hàng cũng như quy trình và cách xác định số lượng từ khóa cho một kế hoạch SEO. Bài viết hơi dài nhưng khá sâu, nên có gì mọi người đọc và góp ý thêm giúp mình nhé.
CÓ TỪ KHÓA THÌ LÀM THÔI, MẮC GÌ PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU?
Mình thấy có nhiều người nghĩ rằng việc phân tích nghiên cứu từ khóa chỉ đơn giản là mình dùng công cụ như Google Keyword Planner, Ahref,… để list ra từ khoá rồi viết thôi hay lấy những từ khoá đối thủ đã viết để làm. Và mọi người cho rằng càng lấy được nhiều từ khoá để triển khai thì càng tốt.
Tuy nhiên mọi người lại quên rằng, những từ khóa này có phù hợp với doanh nghiệp mình hay không, những từ khóa này có giúp xây dựng được chủ đề cho website không. Và 1 điều đặc biệt nữa nhiều người hay quên, chính là nhiều từ khóa trùng lặp với nhau.
Bên cạnh đó, nếu mình chỉ dựa vào từ khoá đã tìm từ công cụ rồi triển khai ngay mà không phân tích chuyên sâu thì gần như sẽ bị bỏ đi nhóm Semantic keyword (từ khóa ngữ nghĩa). Đây là các từ hoặc cụm từ có liên quan tới hoặc bổ sung ý nghĩa cho từ khóa chính mà bạn đang tối ưu hóa.
Ví dụ như khi SEO các từ khoá như “du lịch Đà Nẵng" thì chúng ta cần list ra danh sách Semantic keyword như Cầu Rồng, Cầu Hàn, Bà Nà Hill,… Semantic keyword này sẽ giúp cung cấp thông tin chi tiết hơn và tạo mối liên kết về nội dung xung quanh chủ đề chính.
Sử dụng Semantic keywords trong nội dung của bạn để tạo nội dung có giá trị và đa dạng hơn từ đó giúp Google hiểu rõ hơn về chủ đề của trang web, và có khả năng xếp hạng cao hơn.
CHUYÊN SÂU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CHỈ Ở KỸ THUẬT PHÂN TÍCH, NÓ CÒN NẰM Ở HÀNH TRÌNH KHÁCH HÀNG
Để có được 1 list danh sách các từ khóa, rất đơn giản, bạn chỉ cần nhập từ sản phẩm/dịch vụ của bạn vào công cụ thì sẽ có ngay. Nếu chúng ta sử dụng ngay bộ từ khóa này thì sẽ rất dễ bị bỏ quên đi rất nhiều từ khóa khác trên hành trình của khách hàng, cũng như sẽ có những từ khóa đang không phù hợp với định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp khi làm SEO là kiếm tiền. Do vậy dù bạn có viết nhiều bài viết, nhưng nếu không đáp ứng đúng mục tiêu tìm kiếm của khách hàng, thì có lên TOP cũng “công cốc” với doanh nghiệp. Mình cũng đã từng gặp nhiều khách hàng làm SEO, bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để phủ nội dung, đẩy TOP, nhưng đến cuối cùng chỉ vì không phân tích kỹ từ khóa, viết một cách “vô tội vạ” nên đến cuối dự án, dù dự án thì lên TOP, nhưng lại không thể BÁN HÀNG.
NẾU LÀ MÌNH, MÌNH SẼ LÀM NHƯ THẾ NÀO?
Dự án nào cũng vậy, lúc bắt đầu, mình thường cùng doanh nghiệp (bên thuê mình làm SEO) vẽ lên một chân dung của khách hàng và hành trình của họ khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Mình sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể để các bạn hình dung rõ hơn:
Ví dụ:
ĐỀ BÀI: Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm VLXD như sơn, xi măng,…
PHÂN TÍCH: Đối tượng khách hàng của doanh nghiệp trong chiến dịch lần này là B2C: Họ thường là những người đã kết hôn, không có chuyên môn và đang mong muốn tìm được sản phẩm chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết tại các tỉnh miền Trung và đáp ứng được một số nhu cầu như chống ồn, chống thấm,…
HƯỚNG ĐI: Từ những yêu cầu đó, mình sẽ tiến hành nghiên cứu các nhóm từ khoá mua bán xi măng theo các tỉnh thành mà doanh nghiệp đang tập trung hay các key như sơn chống nóng cho tường nhà, cách chống thấm tường ngoài trời, chống nóng nhà hướng tây. Từ những key này thì mình sẽ điều hướng khách hàng đến các sản phẩm của doanh nghiệp.
Thông thường thì nhiều người sẽ chia các từ khóa theo các loại là từ khóa ngắn, từ khoá dài, từ khóa bỏ quên,… Tuy nhiên, theo phương pháp SEO Branding thì mình sẽ chia theo các giai đoạn hành trình là:
1. Từ khóa tìm hiểu thông tin: Những từ khóa cung cấp về mẫu mã, thông tin sản phẩm là chính Ví dụ: giải quyết, mẫu mã, kinh nghiệm,…
Ví dụ như các từ khoá về Các loại mẫu nhà, Các loại vật liệu cần thiết khi xây nhà,…
2. Từ khóa cân nhắc lựa chọn: Đây là những từ khoá tập trung so sánh giữa các đơn vị, so sánh giữa các mẫu với nhau hay tìm hiểu sâu về sản phẩm
Ví dụ như Cách tính số lượng xi măng khi xây nhà, xây nhà cấp 4 cần bao nhiêu xi măng,…
3. Từ khóa chuyển đổi, bán hàng: Từ khóa tập trung về Local cụ thể để Khách hàng có thể đến cửa hàng tìm hiểu và quyết định mua hàng, thương hiệu
Ví dụ như giá xi măng bao nhiêu 1 tấn, xi măng đà nẵng, xi măng chống thấm, xi măng bền sunfat, xi măng Pooclăng
4. Từ khóa sau mua hàng: Từ khóa tập trung cung cấp các thông tin hữu ích để người dùng có thể tự sửa chữa sản phẩm, chăm sóc sản phẩm,… khi đã mua về
Ví dụ như cách pha sơn chống thấm với xi măng, cách tẩy xi măng trên nền gạch, cách bảo quản xi măng
Vậy làm thế nào để nghiên cứu từ khóa đáp đúng vào đối tượng khách hàng? Các bạn có thể áp dụng thử quy trình nghiên cứu từ khóa trong phương pháp SEO Branding này.
QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU TỪ KHÓA CHUẨN & CHUYÊN SÂU
Để bắt đầu quy trình Nghiên cứu từ khóa chuẩn, bạn cần chuẩn bị một số nội dung như sau:
-
Chân dung khách hàng của doanh nghiệp mình
-
Hành trình khách hàng: lần lượt là Nhận diện nhu cầu → Tìm hiểu → Quyết định → Sau quyết định. Trong hành trình khách hàng, mọi người cần hoạch định rõ mục tiêu và vấn đề của khách hàng ở giai đoạn này như thế nào, từ đó mới có thể ra được những từ khóa chủ quan của mình.
(1 tips nhỏ là ở bước này nếu bạn chưa có được một hành trình khách hàng thì bạn có thể đặt bản thân mình vào vị trí của người tìm kiếm trên Google, liệu khi tìm hiểu sản phẩm/dịch vụ này thì chúng ta sẽ gõ những từ khóa nào theo 3 nhóm từ khóa: Từ khóa sản phẩm, từ khóa thương hiệu và từ khóa nhu cầu và sẽ càng tốt nếu bạn có thể trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp mà bạn đang làm SEO nhé. )
-
Công cụ research từ khoá như Ahref, Semrush, Google Keyword Planner,…
-
Cấu trúc content của website để đảm bảo nghiên cứu từ khoá đi đúng chủ đề mà website đang xây dựng (đây cũng là phần cực kỳ quan trọng bên cạnh việc phân loại và nghiên cứu từ khóa đấy nhé)
Bước 1: Danh sách nhóm từ khóa chủ quan
Dựa vào chân dung, hành trình khách hàng cùng cấu trúc content, chúng ta sẽ tự Brainstorming ra danh sách các từ khóa mình dự định triển khai. Hơi nực cười, nhưng nó sẽ rất tốt khi mình thử tưởng tượng đặt mình vào vị trí của khách hàng “nếu là họ mình sẽ tìm kiếm gì”. Đồng thời, nhờ vào cấu trúc content theo hành trình khách hàng đã chuẩn bị trước đó, anh em cũng sẽ không sợ việc đi lệch hướng hay không biết bắt đầu từ đâu.
Một mẹo nhỏ nữa ở bước này là bạn đừng giới hạn suy nghĩ của bản thân mình trong một khuôn khổ hay quan tâm đến volume search. Hãy thoải mái liệt kê hết những từ khoá mà mình nghĩ có thể khách hàng sẽ tìm kiếm dựa trên nhu cầu, mong muốn của khách ở từng giai đoạn.
Trở lại với case study của doanh nghiệp xi măng, ở giai đoạn Nhận biết, mình biết khách hàng đang có mong muốn chọn được mẫu nhà phù hợp với gia đình hoặc tìm được các cách để xử lý các vấn đề mà ngôi nhà mình đang gặp phải như: nóng, ồn, thấm,… (Những dữ liệu này mình đã có trao đổi với khách hàng SEO của mình trước đó nhé). Từ đó, mình vạch ra các ý như:
-
Các loại mẫu nhà,…
-
Các loại vật liệu cần thiết khi xây nhà
-
Cách chống thấm nhà ở
-
Cách chống thấm tường
-
Cách chống nóng cho nhà ở
-
Nhà ở hướng Đông chống nóng như thế nào?
-
Làm thế nào để nhà không bị thấm?
-…
Mn có thể xem ảnh 1 minh hoạ mình đính kèm nha
Nhớ nhé, ở bước này, đừng quan tâm quá nhiều đến việc từ khóa đó có Volume Search hay không.
Bước 2: Search từ khóa chủ quan từ công cụ
Ở đây mọi người có thể sử dụng Ahref hoặc Google Keyword Planner. Tuy nhiên mình thường sử dụng Google Keyword Planner cho nó đỡ tốn
Tiếp theo, từ những từ khóa bạn đã vạch ra ở bước hoạch định, bạn hãy tiến hành update chúng vào tính năng Discover new keywords – Khám Phá Từ Khóa Mới (Lưu ý xíu là ở tính năng này, chúng ta chỉ có thể nhập tối đa 10 từ khóa).
Đây là công cụ sẽ cho chúng ta số liệu tìm kiếm lịch sử của 10 từ khóa đó và gợi ý thêm cho chúng ta những từ khóa khác liên quan khác. (Một lưu ý cho những bạn chưa biết về công cụ này là gì nhé)
Sau khi công cụ đưa ra danh sách từ khóa, chọn những từ khóa liên quan đến chủ đề chúng ta muốn SEO hoặc tùy chọn tìm kiếm bằng cách chỉ định vị trí địa lý, loại trình duyệt, loại trình diễn, thời gian và phạm vi từ khóa để đáp ứng theo yêu cầu cụ thể của dự án của bạn. Bạn hãy chọn hết tất cả những từ khóa liên quan, không bỏ một từ nào.
(Mình có để hình minh họa 2,3 trong bài viết, mn có thể tham khảo)
Sau khi đã chọn hết từ khóa, bạn chọn Thêm từ khóa. Lúc này những từ khóa bạn chọn sẽ được thêm vào trong 1 danh sách gọi là Kế Hoạch Từ Khóa.
Sau khi bạn đã tìm từ khóa khách quan cho nhóm từ khóa chủ quan thứ nhất, bạn tiếp tục làm như vậy cho tất cả các nhóm tiếp theo cho đến hết.
Bước 3: Research từ khoá từ đối thủ
Ở đây bạn cũng sử dụng công cụ Ahref hoặc Semrush, thông thường mình sẽ sử dụng Ahref là chủ yếu nên trong bài này mình sẽ nói chính về cách research bằng Ahref.
-
Sau khi đăng nhập vào Ahref, bạn hãy Nhập tên miền cơ bản của đối thủ vào ô tìm kiếm.
-
Trong mục Organic Keyword, bạn sẽ xem được danh sách các từ khoá mà đối thủ đang triển khai. Ở đây bạn có thể lựa chọn các từ khoá phù hợp với mình hoặc tải về các key để lọc
-
Trong mục “Từ khóa hạng cao” (Top Keywords), bạn tải về danh sách các từ khóa mà đối thủ đang xếp hạng cao trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm hoặc lựa chọn các key hoặc yêu cầu của bạn để xem về những từ khóa này và xem xét liệu chúng có thể phù hợp cho chiến lược.
-
Bạn có thể sử dụng tính năng so sánh với nhiều đối thủ trong công cụ. Có thể nhập nhiều tên miền đối thủ của mình và xem so sánh giữa đối thủ và đối thủ đang có sự khác nhau như thế nào về cách triển khai để có thể chọn được hướng đi đúng của mình, cũng như giảm thiểu được lượt sử dụng Ahref.
Việc research từ khoá từ đối thủ là đủ chúng ta có thể hình dung được thị trường đang làm gì và hiểu được cách đối thủ làm từ đó đưa ra hướng từ khoá phù hợp, tránh bị phụ thuộc vào đối thủ.
Bước 4: Phân nhóm từ khoá
Sau khi đã có một bộ từ khoá từ cả chủ quan & cả đối thủ, chúng ta sẽ tiến hành gom nhóm các từ khoá lại với nhau. Đây là một phần vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực của dự án cũng như dễ khiến website gặp vấn đề trùng lặp content. Những người tìm kiếm các từ khóa trong 1 nhóm sẽ cùng muốn đọc cùng 1 nội dung duy nhất.
Ví dụ như:
-
chọn xi măng xây nhà
-
xi măng xây nhà
-
các loại xi măng
-
các loại xi măng hiện nay
Đây là những key đang cùng nhóm với nhau vì đều đang cùng nhu cầu là tìm loại xi măng xây nhà tốt nhất.
****** Để phân nhóm từ khoá, bạn có thể dựa vào 2 tips sau:***
-
Đặt câu hỏi “Nếu người dùng search những từ khóa này, thì họ có muốn đọc cùng 1 nội dung duy nhất không?”
-
Search từ khóa lên Google để xem kết quả tìm kiếm, nếu trang nhất của 2 key giống nhau đến 70% là đang cùng nhóm (đây là % quy chuẩn mà cá nhân mình hay team mình áp dụng để phân loại, đôi lúc sẽ không chính xác 100% nên sẽ có đôi lúc phải theo dõi tối ưu chỉnh sửa nhóm từ khóa)
Bước 5: Đo lường tính khả thi của từ khóa
Sau khi phân nhóm xong bộ từ khoá, chúng ta đã có một danh sách từ khóa sẽ được triển khai. Nhưng lúc này, bộ từ khóa của mọi người có thể lên đến 1000 và đang vượt so với nguồn lực. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này của mọi người là nên triển khai từ khóa này? Lúc này bạn sẽ cần xem xét về độ khó của từ khoá (vì không phải volume nhỏ là độ cạnh tranh dễ)
-
Số lượng Kết quả Search (càng nhiều càng cạnh tranh)
-
Kết quả Allintitle dưới 50. Đây là số kết quả mà trên tiêu đề có chứa toàn bộ từ khóa chúng ta search. (All in Title tức là “toàn bộ trong tiêu đề”). Để sử dụng phần này, bạn có thể dùng cú pháp: “allintitle:keyword” trên Google hoặc công cụ Spineditor
-
KD từ khoá < 10.
Sau khi xác định được thứ tự độ khó của các key và kết hợp với cấu trúc content, chúng ta sẽ tiến hành triển khai SEO lần lượt.
MỘT KẾ HOẠCH SEO NÊN CÓ BAO NHIÊU TỪ KHÓA LÀ “CHUẨN”?
Không có một câu trả lời chính xác nào cho câu trả lời này cả. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi dự án mỗi kiểu", có thể với dự án này mình chỉ cần có khoảng 100 từ khoá là đủ nhưng với dự án khác thì mình cần có hơn 500 từ khoá. Để xác định được số lượng từ khoá bao nhiêu là đủ thì mọi người có thể xem xét về các yếu tố như:
-
Mục tiêu: Bạn cần xem xét được mục tiêu dự án hiện tại của bạn là bao nhiêu Organic trong thời gian bao lâu để có thể xác định được số lượng từ khóa cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng sẽ phải ước tính nguồn nhân sự cần thiết để đạt được mục tiêu.
-
Ngân sách: Yếu tố sẽ quyết định phạm vi và quy mô sản xuất content của dự án. Nếu ngân sách hạn chế, bạn có thể phải tìm giải pháp sáng tạo hoặc giảm bớt số lượng và chất lượng của nội dung sản xuất. Do đó, bạn cần cân nhắc về yếu tố này khi tính toán số lượng từ khoá để triển khai bài viết.
-
Thời gian: Thời gian là một nguồn lực quan trọng trong sản xuất content trên website vì nếu có ít thời gian, bạn có thể không thể viết hết được toàn bộ từ khoá mà đang dự kiến trước đó. Điều này có thể ảnh hưởng đến tần suất và định kỳ cập nhật nội dung trên website.
Bài chia sẻ đến đây cũng khá là dài rồi. Để tổng kết lại, một số ý như sau:
Để phân tích từ khóa, bạn phải đi từ cái lõi là khách hàng vì dù có làm SEO hay bất kỳ kênh marketing nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là bán được cho khách hàng. Do đó, bạn cần lưu ý về việc nghiên cứu từ khóa theo ngành hàng.
Bạn cần có phương án từ khoá tối ưu nhất, chọn lựa những từ khóa nào phù hợp & mang lại hiệu quả nhất với khách hàng để đảm bảo đủ chi phí, nguồn lực và đảm bảo mục tiêu.
Thông thường để xác định số lượng bài viết cần có của một dự án thì mình sẽ dựa trên mục tiêu của dự án và mục tiêu traffic trung bình trên bài/ngày (con số này mọi người tham khảo từ đối thủ thông qua Ahref và tính toán trên volume nhé) rồi nhân với 10% dự phòng nhé. Như dự án về xi măng của mình hiện khi tìm kiếm toàn ngành thì đang có khoảng từ 200 - 400 nhóm từ khoá. Mục tiêu của dự án chỉ có 120.000 traffic/tháng và trong vòng 6 tháng. Cụ thể là:
*120000/30/15 1,1 = 293 nhóm từ khoá
Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài chia sẻ của mình dù khá dài. Đây là những đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của mình nhưng như mình chia sẻ ở đầu bài thì các cách này có thể đúng với mình nhưng chưa hẳn đã đúng với anh/chị/em làm SEO khác. Nếu cảm thấy hay, mọi người có thể thử tham khảo xem qua nhé. Hẹn mọi người lần sau ở bài chia sẻ sâu về chủ đề Internal Link nhé.
Author: Hồng Hậu - Group Nghiện SEO