SEO Product page luôn là một phần khó khi làm SEO cho một website thương mại điện tử. Điều khó ở đây là bạn sẽ có rất nhiều sản phẩm, không thể nào tối ưu từng sản phẩm như các trang blog được, vậy cần làm gì để đỡ mất công mà vẫn có thể cạnh tranh top? Để mình gợi ý cho.
1. Hiểu rõ trang sản phẩm là gì?
Trang sản phẩm là nơi giới thiệu chi tiết về sản phẩm của bạn, bao gồm hình ảnh, mô tả, giá cả và các thông tin khác. Đây là điểm đến quan trọng cho khách hàng tiềm năng khi họ muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm của bạn.
2. Tại sao bạn cần tối ưu hóa trang sản phẩm?
Tối ưu hóa trang sản phẩm giúp bạn:
-
Thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn: Khi trang sản phẩm của bạn được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm, nhiều người sẽ nhìn thấy nó hơn.
-
Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Trang sản phẩm được tối ưu hóa tốt sẽ cung cấp cho khách hàng tất cả thông tin họ cần để đưa ra quyết định mua hàng.
-
Cải thiện trải nghiệm người dùng: Trang sản phẩm dễ sử dụng và cung cấp thông tin đầy đủ sẽ giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn.
3. Checklist Tối ưu SEO cho Product Page
3.1. Đặt tiêu đề sản phẩm theo từ khóa đã lên trong chiến dịch
Chắc hẳn bạn nghĩ rằng việc đặt tên sản phẩm có vẻ khá dễ dàng, chỉ cần đặt theo tên sản phẩm thôi, sản phẩm tên gì thì đặt tên như thế, vậy là xong. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “Khách hàng tìm sản phẩm của bạn kiểu gì?” - Tâm linh chăng?
Chính vì vậy việc đặt tiêu đề sản phẩm theo từ khóa là rất quan trọng, bạn nên đặt tiêu đề theo từ khóa đã lên, việc này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc lên top và tiếp cận khách hàng. Gợi ý cho bạn một công thức, tiêu đề sản phẩm nên có “tên thương hiệu, tên sản phẩm, số kiểu máy và các thuộc tính sản phẩm hữu ích như màu sắc, kích thước và thậm chí là SKU”.
Thêm một lưu ý, để tránh cho việc xung đột với DANH MỤC SẢN PHẨM, bạn nên đặt tên riêng cho sản phẩm, không nên đặt “Brand” hoặc “Brand + Category”.
3.2. Cấu trúc URL đồng bộ và CLEAR
Cũng như một bài viết SEO thông thường, việc đặt URL cho product page sao cho thật dễ dễ hiểu - cho cả người dùng và SERP - và đồng bộ. Hãy nhớ quy tắc, một URL tốt là URL có các yếu tố “đúng mô tả, dễ đọc, đồng bộ, viết thường”
Ví dụ, bạn có một sản phẩm tên là “Balo chống nước cho nữ” thuộc danh mục balo, bạn có thể đặt URL như sau domain.com/balo/balo-chong-nuoc-cho-nu/
3.3. Meta title và Meta Description
Đối với website thương mại điện tử, bạn có thể có rất nhiều sản phẩm, bạn không thể nhập tay từng sản phẩm được. Vì vậy, lời khuyên cho bạn là đặt title và description tự động theo mẫu. Như vậy, bạn có thể sinh ra hàng loạt title, description chỉ trong chớp mắt. Và sau này, bạn vẫn có thể chỉnh sửa title và description thủ công để phù hợp hơn với từ khóa.
Tuy nhiên, hãy cẩn trọng trong việc sử dụng title và description tự động. Bạn phải lên dự tính nhiều trường hợp và có sự thay đổi, tránh spam quá nhiều nhé.
3.4. Heading
Cấu trúc heading giúp người dùng và công cụ tìm kiếm hiểu được nội dung của bạn nói về điều gì và cấu trúc hoàn chỉnh của nó. Với product page, bạn có thể đặt cấu trúc của một product page như sau:
H1: Balo chống nước cho nữ
H2:
-
Đặc điểm nổi bật
-
Thông số kỹ thuật
-
Review
-
FAQ
3.5. Thuộc tính sản phẩm
Việc liệt kê các thuộc tính sản phẩm và đặt liên kết cho chúng giúp bạn có thể gia tăng liên kết nội bộ của website đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về sản phẩm, như tên sản phẩm, tên mẫu, màu sắc, kích thước, SKU,…
3.6. Breadcrumb
Dẫn đường bằng breadcrumbs mang lại lợi ích cho cả người dùng và công cụ tìm kiếm. Người dùng có thể nhanh chóng hiểu cấu trúc của cửa hàng và quay lại trang danh mục bằng cách sử dụng breadcrumbs. Đồng thời, breadcrumbs cũng tạo ra các liên kết nội bộ có giá trị cho công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về cách cấu trúc breadcrumbs.
3.7. Schema
Cài đặt schema cho product page sẽ giúp công cụ tìm kiếm nhận diện được chính xác các trường thông tin quan trọng và cần thiết mà bạn muốn khai báo như: tên sản phẩm, giá, mẫu mã, kích thước,… từ đó các thông tin này sẽ được hiển thị như một cách gây chú ý hơn tới người dùng trong SERP.
Vì vậy, hãy cài đặt schema thật chính xác cho product page của bạn nhé.
3.8. Bổ sung FAQ
Nếu bạn muốn đầu tư nhiều hơn, bạn thậm chí có thể bao gồm phần câu hỏi thường gặp (FAQs) về các sản phẩm đang bán. Bạn hiểu rõ khách hàng của mình, vì vậy bạn biết họ sẽ có những câu hỏi gì. Việc trả lời những câu hỏi này tạo ra nội dung thú vị và giá trị hơn, đồng thời cũng giảm bớt các câu hỏi hỗ trợ.
Một cách khác là bạn có thể bao gồm một phần hỏi đáp được quản lý trên trang sản phẩm nếu bạn có một cộng đồng người dùng tích cực. Bằng cách này, khách truy cập có thể trả lời câu hỏi và bạn có thể xếp hạng cho nhiều truy vấn mà khách truy cập đang tìm kiếm hơn.
Dù bạn quyết định gì, hãy chắc chắn đánh dấu mọi thứ bằng Schema. Trong trường hợp FAQs, sử dụng thuộc tính FAQPage. Trong trường hợp Q&As, sử dụng thuộc tính Q&APage. Điều này sẽ giúp bạn nổi bật hơn!
Trên đây là những kiến thức được đúc kết từ những dự án mình đã làm, rất mong có thể nhận thêm nhiều kiến thức mới và chất hơn từ các mem trong group!
Author: Bùi Tiến Tùng - Nghiện SEO