Thế nào là bài viết chuyên sâu? Có phải viết dài là chuyên sâu?

Chào anh chị em, thấy các anh em bàn luận về content, mình cũng xin chia sẻ một chút ý kiến cá nhân về content thế nào thì là chuyên sâu ạ.

Trước đây, mình đã từng có suy nghĩ bài viết càng dài càng tốt với hy vọng google nhận ra rằng: “Đây là một bài chuyên cmn sâu, cần cho nó lên top”.

Tuy nhiên, sau này khi đã có chút kinh nghiệm về content và theo dõi hành vi người dùng trên web thì mình đã thay đổi lại cách làm content như mình trình bày dưới đây.

ĐIỀU ĐẦU TIÊN: AI LÀ NGƯỜI ĐỌC NỘI DUNG CỦA BẠN?

Trước khi triển khai nội dung, bạn cần phải đặt câu hỏi rằng: Ai sẽ là người sẽ đọc nội dung này?

Ngày nay việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng đã trở thành điều tất yếu. Sẽ rất tuyệt nếu người dùng vào website của bạn, đọc bài viết và họ nhận ra rằng bài viết này dường như đang được viết cho riêng họ.

Hãy tóm lược vài dòng về độc giả của bạn.

1. HỌ LÀ AI?

Người đọc của bạn họ là ai, mẹ bỉm sữa hay dân văn phòng, họ là trung niên hay thiếu niên? Tóm lại cần phải hiểu một chút về nhân khẩu học của họ.

2. HỌ MUỐN GÌ?

Vấn đề họ gặp phải là gì? Giải pháp mà họ tìm kiếm khi đọc chủ đề này là gì? Tóm lại cần hiểu về mong muốn của độc giả để có thể đưa ra giải pháp mà họ tìm kiếm.

3. HỌ SẼ Ở GIAI ĐOẠN NÀO TRONG HÀNH TRÌNH MUA HÀNG?

Tất nhiên đừng đầu tư thời gian công sức và tiền bạc để làm điều gì đó mà cuối cùng chẳng mang lại lợi lộc gì cho doanh nghiệp, tổ chức của bạn.

Hành trình mua hàng (Customer journey) sẽ dẫn dắt độc giả của bạn trở thành khách hàng tiềm năng, rồi thành khách hàng chính thức và cuối cùng là trở thành những người ủng hộ nhiệt thành cho doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Inbound Marketing, hoặc nếu có thể mình xin chia ra một bài khác.

THỨ HAI: VIẾT NỘI DUNG CHUYÊN SÂU

Đừng nhầm lẫn khi mình nói rằng nội dung chuyên sâu nghĩa là viết mấy nghìn từ. Theo quan điểm của mình, nội dung bao nhiêu từ không quan trọng, quan trọng là nội dung của bạn có đủ thông tin, đáp ứng được truy vấn của độc giả hay không.

1. TẬP TRUNG ĐẶT TIÊU ĐỀ

Một tiêu đề hấp dẫn sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tăng tỷ lệ click vào trang và giúp người đọc hiểu mình sẽ đọc cái gì.

Hãy đặt một tiêu đề tạm trước khi viết bài giúp chúng ta đảm bảo luôn tập trung vào chủ đề chính. Sau khi hoàn thiện nội dung của bài viết thì quay lại tối ưu tiêu đề một lần nữa để đảm bảo chúng ta có một tiêu đề xuất sắc.

2. MINDMAP DÀN BÀI

Ở bước này mình sẽ dựa vào những gì mình biết về chủ đề này, cùng với đó là tổng hợp từ các nguồn thông tin khác mà có thể tìm thấy.
Sau đó mindmap các ý chính sẽ có trong bài viết, thường các ý chính này sẽ là các tiêu đề phụ H2, H3, H4 trong bài viết. Rồi đến các ý quan trọng cần phải có trong các tiêu đề phụ, các ý nhỏ này đóng góp vào một bài viết chuyên sâu, đầy đủ kiến thức cần phải có.

3. VIẾT NHÁP

Sau khi đã có được dàn bài và các ý quan trọng cho bài viết, mình sẽ viết nháp. Ở công đoạn này mình sẽ viết một mạch từ đầu đến cuối theo các ý chính đã tổng hợp.

4. CÔ ĐỌNG BÀI VIẾT

Mình sẽ xem lại bài viết ở giai đoạn này, viết lại các tiêu đề phụ hấp dẫn hơn, loại bỏ các đoạn văn thừa thãi, có những từ ngữ nào gây khó hiểu cho người đọc không.

Chúng ta cần hiểu rằng, đa số người đọc sẽ không chăm chú gặm nhấm từng từ trong bài viết của bạn. Người dùng hiện nay có xu hướng đọc lướt. Chính vì thế nếu bài viết của bạn có nhiều đoạn văn thừa thãi không có giá trị thì có thể sẽ khó truyền tải được những nội dung chính. Nguy hiểm hơn người đọc sẽ không tìm được điều mà họ muốn và quay trở lại google để đọc website đối thủ của bạn. Hành vi này sẽ làm bạn bị mất điểm trong mắt của Google.

CUỐI CÙNG: CONTENT AUDIT

Cho dù bài viết của chúng ta có chuẩn bị kỹ tới đâu, từ persona cho tới nội dung thì cũng khó mà ăn ngay ở lần đầu tiên sau khi đăng bài. Vậy thì bước sau đó cần phải tối ưu, chỉnh sửa nội dung tốt hơn nữa, mang về hiệu quả cao hơn.

1. TỐI ƯU NỘI DUNG THEO HÀNH VI NGƯỜI DÙNG

Ở phần này, mình thường sử dụng hotjar để theo dõi hành vi tương tác của người dùng đối với bài viết để đưa ra những thử nghiệm cho việc tối ưu nội dung.
Có bao nhiêu phần trăm người đọc sẽ đọc hết bài viết của bạn, người đọc thoát ra ở đoạn nội dung nào hoặc những vị trí nào mà người đọc có xu hướng quan tâm hơn những vị trí khác. Những thông tin về hành vi tương tác này sẽ giúp chúng ta đặt ra được những vấn đề mà bài viết gặp phải, đưa ra hướng giải quyết và tiến hành chỉnh sửa bài viết tốt hơn.

2. SỬ DỤNG GOOGLE SEARCH CONSOLE ĐỂ TỐI ƯU NỘI DUNG

Sau khoảng 2 tháng khi bài viết đã bắt đầu có traffic từ nguồn Google, mình sẽ xem báo cáo chi tiết của bài viết trong GSC. Cách này chắc phần lớn anh em đều biết, nhưng mình sẽ nói lại cho các ae nào mới.

Chúng ta sẽ vào GSC => Hiệu Suất => Dán URL bài viết vào phần Trang => Chọn tổng số lượt hiển thị => Chọn cụm từ tìm kiếm. Lúc này GSC sẽ trả về báo cáo các truy vấn của người dùng liên quan đến bài viết của mình.

Dựa vào những truy vấn tìm kiếm này mà bạn có thể sử dụng để bổ sung thêm vào nội dung của bài viết, giúp bài viết dày thông tin hơn, đáp ứng đúng những gì mà độc giả tìm kiếm.

Đó là những gì mà mình đang sử dụng cho việc sản xuất nội dung cho website, mình vẫn đang cố gắng để hoàn thiện thêm các kỹ năng về content vì mình hiểu content là linh hồn của website.

Rất cảm ơn anh chị em đã đọc.

Author: Trần Quốc Tâm - Group Nghiện SEO

(BÀI CŨ POST LẠI)